Home » Kỹ Năng Sống
AWAKENING YOUR HIDDEN POTENTIAL
Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014
Khơi dậy năng lực tiềm ẩn để thành công
Trong thời gian vừa qua, trên thị trường đào tạo tại Việt Nam xuất hiện một loại hình đào tạo mới với tên gọi “Khơi dậy năng lực tiềm ẩn”, “Đánh thức con người bạn”, “Tâm lý để thành công”, “Thay đổi bản thân”, v.v. Cho dù tên gọi các chương trình có thể khác biệt nhưng đều thuộc một loại hình đào tạo đã có từ rất lâu ở các nước phát triển là Motivational training (Đào tạo động lực). Những tên tuổi nổi tiếng trên thế giới trong lãnh vực này như Anthony Robbin, Zig Ziglar, v.v. đã giúp bao nhiêu người vượt qua nghịch cảnh, từ những suy nghĩ tiêu cực để ung dung tự tại phát huy hết năng lực tiềm ẩn và thành công trong cuộc sống và công việc.
Điều gì đã làm nên tên tuổi của Helen Keller (1880-1968), Lance Amstrong, Abraham Lincohn, v.v.? Keller là một nữ tác giả nổi tiếng người Mỹ và là một giảng viên đặc biệt – bà bị mất hoàn toàn thị lực và thính lực từ lúc 2 tuổi. Năm 1964, bà được tổng thống Lyndon Johnson trao tặng huân chương tự do – tấm huân chương cao quý nhất của nước Mỹ trao tặng cho những công dân có cống hiến xuất sắc. Lance Amstrong là một tay đua cự phách người Mỹ, từng mắc bệnh ung thư và sau đó đã chiến thắng căn bệnh quái ác này để lập kỷ lục 7 lần liên tiếp vô địch Tour de France. Abraham Lincoln người từ 21 tuổi đến 51 tuổi phải nếm trải không biết bao nhiêu thất bại trong kinh doanh, trong chính trị và hoàn cảnh éo le khi vợ chết để trở thành tổng thống Mỹ ở tuổi 52. Những con người này có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ có cùng điểm chung là ý chí phấn đấu, thái độ tích cực và đã làm thức dậy sức mạnh tiềm thức mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Trong các dạng đào tạo năng lực, đào tạo khó nhất là đào tạo thái độ (Attitude) và động lực (Motivation) bởi nó chịu sự chi phối của tiềm thức. Tất cả các khóa đào tạo động lực đều tập trung vào việc đánh thức sức mạnh tiềm thức của con người. Vậy tiềm thức là gì? Tiềm thức là một bộ nhớ hoàn hảo và vô hạn. Tiềm thức hoạt động như là một bàn phím dùng để nhập liệu vào máy tính. Tiềm thức nhập vào tất cả những gì bạn gõ vào và lưu trữ mà không cần biết lý do là gì. Tiềm thức thu nhận được thông tin qua năm giác quan của con người: thính giác, thị giác, xúc giác, vị giác và khức giác. Vì vậy, nếu bạn muốn làm một việc gì đó với hiệu quả và hiệu năng cao nhất cần phải chuyển hành động của mình từ ý thức sang tiềm thức. Con người sinh ra được tạo hóa ban tặng một sức mạnh tiềm tàng - sức mạnh của tiềm thức. Tuy nhiên, tiếc rằng chỉ có một số người biết khơi dậy, phát huy và sử dụng sức mạnh tiềm ẩn này để thành công. Ngạn ngữ có câu “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt tính cách; gieo tính cách gặt số phận”. Như vậy, bạn không được nhồi nhét bất cứ ý nghĩ tiêu cực nào vào tâm trí hoặc tiềm thức của bạn mà ngược lại hãy tích cực ngay từ trong suy nghĩ bởi tiềm thức luôn hoạt động ngay cả khi bạn không ý thức được nó đang hiện hữu.
Đến đây chắc hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc: “ Vậy thì, khơi dậy và sử dụng tiềm thức như thế nào?”. Zig Ziglar, một diễn giả động lực (motivational speaker) nổi tiếng thế giới đã đưa ra 6 bước để giúp bạn đánh thức và sử dụng tiềm thức của mình như sau:
1. Hiểu rõ mọi thứ bạn thu nhận được từ năm giác quan khi bạn ý thức hay không ý thức được đều là một phần vĩnh cửu trong tâm trí bạn.
2. Kích thích tiềm thức hoạt động bằng cách suy nghĩ tích cực, hành động tích cực và giao du với những người tích cực.
3. Chọn lựa hết sức cẩn trọng các phương tiện tác động vào ý thức và tiềm thức như sách, báo, băng đĩa, truyền hình, v.v.
4. Không mang những vấn đề chưa được giải quyết vào giường ngủ.
5. Luôn mong chờ và khao khát những kết quả tích cực.
6. Luôn chuẩn bị sẵn giấy, viết hoặc máy ghi âm bên cạnh giường ngủ vì tiềm thức của bạn hoạt động rất nhanh đến mức bạn phải bật dậy và ghi lại nếu không sau một đêm thức dậy bạn không thể nào nhớ được những gì tiềm thức đã đưa ra.
Ngạn ngữ có câu “Một cuộc hành trình ngàn dặm phải bắt đầu bằng những bước nhỏ”. Để kết thúc bài viết này, xin gợi ý với độc giả một kỹ thuật nhỏ khơi dậy sức mạnh tiềm thức đó là đọc và nhớ những câu phát biểu tích cực. Khi bạn đọc những câu phát biểu này hãy viết ngay vào giấy vì khi bạn làm điều này chính là bạn đang bắt đầu khơi dậy sức mạnh tiềm thức của mình đấy!
“Nếu bạn nghĩ bạn có thể làm điều gì hoặc không thể làm điều gì, bạn đều đúng” (Henry Ford)
“Bạn sẽ có mọi thứ bạn muốn trên đời nếu bạn sẵn lòng giúp người khác đạt được điều họ muốn.” (Zig Ziglar)
“Con người được sinh ra để vươn đến sự hoàn thiện. Họ được phú cho khả năng thành công và được ban tặng những hạt mầm của sự vĩ đại” (Zig Ziglar)
“Không một quyền lực nào có thể ngăn cản được một người có thái độ, tinh thần đúng đạt được mục đích của mình. Và không gì trên đời có thể giúp một người có thái độ và tinh thần không đúng đạt được thành công” (Thomas Jefferson)
“Khám phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người có thể thay đổi cuộc sống của mình chính bằng cách thay đổi thái độ sống.” (William Jones)
NGƯỜI TIÊU CỰC
|
NGƯỜI TÍCH CỰC
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Kỹ năng tự nhận thức
Tự nhận thức là cảm nhận rõ ràng về nhân cách, điểm mạnh, điểm yếu, tư duy, niềm tin, động lực và cảm xúc. Tự nhận thức cũng cho phép bạn hiểu về người khác, cách họ cảm nhận về bạn cũng như thái độ và phản hồi của bạn.Sự tự nhận thức là cơ sở – nền tảng – nền móng – hỗ trợ tất cả các năng lực tư duy cảm xúc. Nó phải có trước, bởi nếu không hiểu bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu người khác cảm xúc như thế nào?
Sự tự nhận thức giúp chúng ta biết được cái gì thúc đẩy mình và mình say mê cái gì. Điều này hướng chúng ta đến những công việc yêu thích, khiến chúng ta làm việc vui vẻ, hiệu quả. Nó dẫn tới những mối quan hệ, cả trong công việc lẫn quan hệ cá nhân, ở đó chúng ta sẽ đóng góp có tính xây dựng và tích cực hơn. Và nó cũng dẫn đến cuộc sống chân thật hơn cũng như làm cho chúng ta hài lòng hơn.
Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta càng có thể kiểm soát và lựa chọn hành vi muốn biểu hiện. Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu mình đang ở đâu, muốn đi đâu để sẵn sàng thay đổi nhằm đến được nơi cần đến. Không có sự tự nhận thức, các cảm xúc có thể che mắt chúng ta, khiến ta trở thành người mà mình không muốn. Nếu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta có thể lựa chọn cách hành động hoặc phản ứng trong một tình huống nào đó hoặc với một người nào đó. Sự lựa chọn này trở thành sức mạnh, một sức mạnh nội tại không ai có thể lấy đi.
Một phần quan trọng khác của quá trình tự nhận thức là bạn cần hiểu rõ về trí óc và cơ thể mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người cũng như phương pháp vận hành của chúng. Hình dung về trí óc còn được gọi là người que. Mô hình về trí óc và cơ thể của người que do Tiến sĩ Thruman Fleet, thuộc Đại học San Antonio, bang Texas, đưa ra vào khoảng năm 1934.
Mô hình này có ba thành phần, trong đó hai thành phần thuộc về trí óc là nhận thức và tiềm thức, và một thành phần là cơ thể.
Phần nhận thức là suy nghĩ và suy luận, có thể chấp nhận hoặc phản đối các ý kiến, không ai có thể bắt bạn suy nghĩ theo những ý tưởng bạn không muốn nghe theo và khi suy nghĩ tạo ra ý tưởng.
Phần tiềm thức là trung tâm quyền lực, không có quyền tự do ý chí, phải chấp nhận và không có khả năng từ chối, không biết tới giới hạn cũng như không phân biệt được đâu là thực tế, đâu là tưởng tượng, được tự bộc lộ bằng cảm nhận. Phần cơ thể là phần hiện hữu của bạn, là phương tiện vật chất, là công cụ của trí óc, hành động theo chỉ dẫn của trí óc, là công cụ để bộc lộ suy nghĩ, để cảm nhận, và hành động của cơ thể quyết định kết quả.
Do vậy, suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cảm nhận tích cực, cảm nhận tích cực sẽ tạo ra hành động tích cực và hành động tích cực sẽ tạo ra kết quả tích cực. Nếu quy trình này tiếp diễn liên tục sẽ tạo nên một thói quen tốt giúp bạn thành công. Điều này một lần nữa chứng minh cho câu ngạn ngữ “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” đã được đề cập.
Tuy nhiên, giữa nhận thức và tiềm thức luôn tồn tại mâu thuẫn nên bạn cần kết hợp nhận thức với tiềm thức. Người thành công là người có suy nghĩ và cảm nhận đồng điệu, nghĩa là nhận thức và tiềm thức kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.
Sự tự nhận thức được phát triển thông qua thực hành việc tập trung sự chú ý vào các chi tiết của cảm xúc, nhân cách và hành vi. Sau đây là một số kỹ thuật để phát triển sự tự nhận thức:
– Ghi lại những hành vi và cảm xúc khi đối diện với tình huống căng thẳng.
– Khi tương tác với những người bạn cảm thấy thoải mái, hãy hỏi họ những phản hồi về hành vi và hành động của bạn.
– Liệt kê ra các điểm mạnh và điểm cần cải thiện.
– Tìm kiếm người bạn tin tưởng để giúp bạn phân tích khả năng của mình một cách khách quan.
– Tìm kiếm công việc mà bạn đủ tiêu chuẩn và khả năng đảm nhận, sau đó nhờ cấp trên hoặc người cố vấn đánh giá bạn cần phải làm gì để cải thiện năng lực của mình.
– Tạo sự tin tưởng với người khác.
– Tận tâm, chú ý và tập trung vào công việc.
– Điều chỉnh bản thân để thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau.
– Tập tư duy tích cực, lạc quan và sáng tạo.
– Đặt ra mục đích và mục tiêu cho bản thân và cho công việc.
– Áp dụng kỹ thuật tự khẳng định.
Kỹ năng tự nhận thức không chỉ giúp phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân mỗi người mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp. Ngày nay, với môi trường cạnh tranh khốc liệt, cấu trúc tổ chức ngày càng phẳng hơn và ít nhân viên hơn, do vậy đòi hỏi nhân viên và cấp quản lý phải quản lý bản thân tốt hơn để có thể làm việc độc lập.
Để quản lý bản thân hiệu quả, bạn cần có kỹ năng tự nhận biết. Đồng thời, tự nhận thức cho phép bạn hiểu rõ người khác và cách thức người khác cảm nhận về bản thân bạn, từ đó giúp bạn nâng cao kỹ năng làm việc đồng đội.
Một doanh nghiệp với những nhân viên và người quản lý có kỹ năng tự nhận thức tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn do họ vừa có khả năng làm việc độc lập, vừa có khả năng làm việc đồng đội tốt.
Ngoài ra, nhận thức đúng về điểm mạnh, điểm cần cải thiện của bản thân và của nhân viên sẽ giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp phát huy toàn diện năng lực của mình và nhân viên, đồng thời có kế hoạch đào tạo, phát triển phù hợp. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo kỹ năng tự nhận thức cho nhân viên bởi nó không chỉ giúp ích cho bản thân nhân viên mà còn tạo động lực để họ phát huy hết năng lực của mình, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Bình Luận
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét